Tranh chấp quyền quản lý di sản thờ cúng
Thờ cúng ông bà, tổ tiên là một trong những tập tục tốt đẹp từ xưa đến nay của văn hóa Việt Nam.
Do nhu cầu của người đã mất cũng như người thân của họ để đảm bảo việc thờ cúng mình và thờ cúng tổ tiên được duy trì chu toàn, không ít người đã để lại di sản sau khi qua đời cho người thân thích của họ dùng vào việc thờ cúng dẫn đến một số tình trạng tranh chấp di sản cũng như quyền quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng đó.
Điển hình là Bản án 08/2018/DS-PT ngày 30/01/2018 về tranh chấp quyền quản lý di sản thờ cúng và đòi lại tài sản. Cụ thể:
"Cha mẹ ông Trần Minh T tên là Trần K (sinh năm 1929, chết ngày 06/3/2014) Mai Thị L (sinh năm 1928, chết năm 2009) sinh được 05 người con đẻ là ông, ông Trần Hữu G, bà Trần Thị Thu L, bà Trần Thị Quế H, bà Trần Thị Lệ T (chết ngày 30/9/1997, bà T có 02 người con đẻ là Phạm Duy Q, Nguyễn Anh D) và có 01 người con nuôi là ông Trần Chí Th.
Chia thừa kế theo pháp luật di sản của vợ chồng ông Trần K bà Mai Thị L. Ông G được quyền sở hữu thửa đất số AA (đã chỉnh lý) tờ bản đồ địa chính số BB-(CC), phường PH, diện tích 84,7 m2, trên đất có 01 căn nhà cấp 4, tọa lạc tại số ABC đường TN, thành phố X, tỉnh Y. Ông G phải hoàn lại cho ông Trần Minh T 65.247.780 đồng trị giá di sản thừa kế của vợ chồng ông K bà L mà ông T được chia theo pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Yêu cầu ông G phải giao lại cho ông được quyền trực tiếp quản lý các di sản để thờ cúng. Ông không yêu cầu chia thừa kế đối với các di sản để thờ cúng này và cũng không yêu cầu di dời các vật dụng thờ cúng ra khỏi căn nhà số ABC đường TN, khu phố 05 phường PH, thành phố X. Ông yêu cầu được trực tiếp quản lý các tài sản để thờ cúng này tại căn nhà số ABC đường TN, khu phố 05 phường PH, thành phố X".
♦ Đối chiếu theo quy định của pháp luật tại Điều 645 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
♦ Tại Khoản 1 điều 670 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định: “Người quản lý di sản thờ cúng là người do người lập di sản thờ cúng chỉ định trong di chúc, nếu người lập di chúc không chỉ rõ người quản lý đó trong di chúc thì những người thừa kế sẽ làm việc đó”.
Người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng dựa trên một trong hai căn cứ: Theo ý chí của người lập di chúc hoặc do những người thừa kế chỉ định.
Việc xác định người đang quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc hay không thuộc diện thừa kế pháp luật có ý nghĩa pháp lí trong việc hưởng di sản khi: “Tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Theo quy định trên, di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc quyền sở hữu của người đang quản lí hợp pháp với hai điều kiện:
+ Những người thừa kế theo di chúc đều đã chết;
+ Người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng phải là người thuộc diện thừa kế theo luật của người để lại di sản.
♦ Quyền của người quản lý di sản quy định tại Điều 618 của Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 618. Quyền của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
- Trong trường hợp này, tại bản án sơ thẩm trước đây, chia thừa kế theo pháp luật di sản của ông Trần K bà Mai Thị L. Ông G được sử dụng và sở hữu thửa đất số số AA (đã chỉnh lý) tờ bản đồ địa chính số BB-(CC), phường PH, diện tích 84,7 m2, trên đất có 01 căn nhà cấp 4, tọa lạc tại số ABC đường TN, thành phố X, tỉnh Y.
- Những người anh, chị, em còn lại đều đã tặng cho ông G được quyền sở hữu toàn bộ kỷ phần thừa kế mà bà được nhận của bà L, để thờ cúng ông bà tổ tiên tại căn nhà số ABC đường TN, thành phố X, tỉnh Y. Các di sản để thờ cùng tại căn nhà số ABC đường TN này đều do ông G quản lý từ trước đến nay, nên không đồng ý chia thừa kế, hoặc giao cho người khác quản lý các di sản này. Các di sản thờ cúng tại căn nhà số số ABC đường TN, thành phố X, tỉnh Y là của ông bà tổ tiên để lại, ông G đã được quyền sở hữu căn nhà số ABC đường TN này, ông G cũng là người có nhiệm vụ thờ cúng ông bà tổ tiên, nên ông G có quyền quản lý các tài sản thờ cúng này.
- Đồng thời, cha mẹ ông chết để lại di sản không có di chúc, không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông Trần Minh T về việc được trực tiếp quản lý các di sản thờ cúng là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật. Như vậy, ông G sẽ có các quyền liên quan đến việc quản lý di sản thừa kế theo quy định tại Điều 618 đã nêu trên.
Thờ cúng là một nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta, thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết. Vì vậy, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các truyền thống tốt đẹp đó, cho phép cá nhân dành một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Phần tài sản này không coi là di sản thừa kế.
Di sản này có thể là một tài sản cụ thể. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình. Không có quyền định đoạt di sản này. Trường hợp người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng mà không có điều kiện để tiếp tục quản lí di sản đó, những người thừa kế sẽ thỏa thuận giao cho người khác quản lí.
Phản ứng của bạn là gì?