Từ chối hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở UBND cấp xã

Tranh chấp đất đai thì có cần hòa giải ở UBND xã trước khi khởi kiện ra Tòa? UBND xã không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai thì nên xử lý như thế nào?

17/01/2022 - 21:31 GMT+7
 0  114
Theo dõi DocLuat trên Google News
Từ chối hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở UBND cấp xã
Ảnh minh họa nguồn Internet

MỤC LỤC

1. Tranh chấp đất đai và các dạng tranh chấp đất đai thường gặp

     1.1. Định nghĩa tranh chấp đất đai

     1.2. Các dạng tranh chấp đất đai thường gặp

2. Tranh chấp đất đai có bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã không?

     2.1. Hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc

     2.2. Chủ tịch UBND cấp xã phải tổ chức hòa giải

3. UBND xã không hòa giải thì nên xử lý như thế nào?

4. Mẫu đơn khiếu nại

5. Mẫu đơn khởi kiện hành chính

1. Tranh chấp đất đai và các dạng tranh chấp đất đai thường gặp

1.1. Định nghĩa tranh chấp đất đai

Theo khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013, "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai".Tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp nhất hiện nay do đó, để giải quyết tranh chấp đất đai cần phải xác định được các dạng tranh chấp đất đai phổ biến. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền sử dụng đất nhưng không phải là tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

Khoản 24, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 có một số quy định khác liên quan đến nội hàm của khái niệm tranh chấp đất đai như Khoản 14, Điều 22 quy định một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai là “Giải quyết tranh chấp về đất đai; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai”; Điều 203 quy định Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (có thể thuộc về TAND hoặc Ủy ban nhân dân...).

1.2. Các dạng tranh chấp đất đai thường gặp

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất

+ Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau;

+ Tranh chấp về QSDĐ, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ li hôn giữa vợ và chồng;

+ Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác;

+ Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.

- Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất

Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng làm phát sinh tranh chấp. Thông thường có các loại tranh chấp sau:

+ Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền SDĐ;

+ Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng bào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Tranh chấp về mục đích sử dụng đất

Đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì?Thông thường những tranh chấp này có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hỏa với đất thổ cư…trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất.

2. Tranh chấp đất đai có bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã không?

2.1. Hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc

Căn cứ khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, khi xảy ra tranh chấp đất đai (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để hòa giải.

Nếu không gửi đơn đến UBND cấp xã mà khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết thì sẽ bị trả lại đơn. Nói cách khác, hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc.

Như vậy với trường hợp này, gia đình bạn bắt buộc phải qua hòa giải tại UBND xã trước khi khởi kiện ra Tòa hoặc đề nghị lên cấp cao hơn.

2.2. Chủ tịch UBND cấp xã phải tổ chức hòa giải

Khi tiếp nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất phải tổ chức hòa giải trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013 như sau:

“3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.”.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai

Kết quả hòa giải gồm: Hòa giải thành hoặc hòa giải không thành.

3. UBND xã không hòa giải thì nên xử lý như thế nào?

UBND không hòa giải sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện?

Khi hết thời hạn tổ chức hòa giải mà Chủ tịch UBND cấp xã không tổ chức hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính (lựa chọn một trong hai phương án), cụ thể:

Phương án 1: Khiếu nại

* Đối tượng khiếu nại

Hành vi không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất (khiếu nại hành vi hành chính).

* Hình thức khiếu nại

- Khiếu nại bằng đơn

Đơn khiếu nại phải ghi rõ những nội dung sau: Ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

- Khiếu nại trực tiếp

Trường hợp khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trường hợp khiếu nại bằng đơn.

* Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

- Khiếu nại lần đầu: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu chính là Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất (theo Điều 17 Luật Khiếu nại 2011). Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ “Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân + tên xã, phường, thị trấn".

- Khiếu nại lần 2:

Nếu Chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại lần 2 đến Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc khởi kiện hành chính.

Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất tranh chấp (theo khoản 2 Điều 18 Luật Khiếu nại 2011).

Phương án 2: Khởi kiện hành chính

- Nếu không khiếu nại hoặc khiếu nại nhưng Chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết hoặc giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện hành chính (căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015).

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Căn cứ Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến hòa giải tranh chấp đất đai, cụ thể:

+ Khiếu kiện hành vi không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã.

+ Khiếu kiện hành vi không giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND cấp xã.

+ Khiếu kiện Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND cấp xã về việc không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.

Thủ tục khởi kiện hành chính gồm những bước cơ bản sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Yêu cầu khởi kiện là buộc Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất tổ chức hòa giải tranh chấp đất theo quy định.

Bướ 2: Tiếp nhận và thụ lý

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Bước 4: Xét xử.

4. Mẫu đơn khiếu nại

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN KHIẾU NẠI

(Về việc ……… )

Kính gửi:……………(Tên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết)

Tên tôi là:……………… sinh ngày … tháng … năm …

Thường trú tại: …………………...……………………… 

Số CMND: ………………………………………………… 

Ngày và nơi cấp: ………………………………………… 

Hiện đang (làm gì, ở đâu): ……………………………… 

Khiếu nại về hành vi hành chính của: ...... (Ghi tên người bị khiếu nại)

Giải trình vụ việc cần khiếu nại:

- Nêu tóm tắt sự việc xảy ra, ngắn gọn, đủ tình tiết.

Yêu cầu giải quyết khiếu nại:

- Đề nghị thẩm tra, xác minh (có thể giới thiệu tài liệu, chứng cứ, người biết việc làm chứng…)

- Giải quyết lại theo đúng chính sách pháp luật, đúng quyền lợi hợp pháp.

Tôi xin cam đoan về nội dung khiếu nại trên là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về nội dung đã khiếu nại.

Mong quý cơ quan sớm xét và giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho …

……………………………………………………………… 

Xin chân thành cảm ơn quý cơ quan.

………….., ngày ... tháng … năm ...

Người làm đơn

(Ký tên và ghi rõ họ tên)

5. Mẫu đơn khởi kiện hành chính

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

(1)……, ngày….. tháng…… năm…….

ĐƠN KHỞI KIỆN

( Theo mẫu của Nghị quyết số:02/2017/NQ-HĐTP) 

Kính gửi: Tòa án nhân dân(2)…………………………………………

Người khởi kiện: (3)………………………………………………………………………

Địa chỉ:(4)……………………………………………………………………………………….

Số điện thoại (nếu có):……………………., số fax (nếu có):…………………….

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): ……………………………………………………….

Người bị kiện:(5)…………………………………………………………………………

Địa chỉ:(6)……………………………………………………………………………..

Số điện thoại (nếu có):……………………., số fax (nếu có):…………………….

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): …………………………………………………………….

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có):(7)…………………………..

Địa chỉ:(8)………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại (nếu có):……………………., số fax (nếu có):…………………….

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): …………………………………………………………….

Quyết định …………….. (9) bị kiện số……… ngày….. tháng….. năm….. của………………………………. về ……………………………………………………………..

Hành vi hành chính bị kiện…………………………………………………

Tóm tắt nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính(10):           ………………………………………………………………………………

Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có):………………………………

Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết(11):…………………………………………….

Người khởi kiện cam đoan không đồng thời khiếu nại ………. (12)đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Những tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (13)

1…………………………………………………………………………………………………….          2…………………………………………………………………………………………………….          ………………………………………………………………………………………………….

                                                                  Người khởi kiện (14)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 01-HC:

(1) Ghi địa danh, ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).

(2) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên).

(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi họ tên; trường hợp người khởi kiện là người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì đồng thời phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người được đại diện; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

(4) Ghi địa chỉ tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, trú tại thôn B, xã C, huyện D, tỉnh E); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH G có trụ sở: Số 50 phố H, quận I, thành phố K).

(5) Nếu người bị kiện là người có thẩm quyền thì ghi chức danh của người bị kiện (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A); nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó.

(7) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).

(6) và (8) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).

(9) Tùy theo từng trường hợp mà ghi quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri.

(10) Tùy theo từng trường hợp mà ghi tóm tắt nội dung cụ thể của quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc hành vi hành chính.

(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết như: Yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc thực hiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính; hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật; buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra…

(12) Tùy từng trường hợp mà ghi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, hành vi hành chính.

(13) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu gì và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: 1. Bản sao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 2. Bản sao chứng minh nhân dân (căn cước công dân)…)

(14) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là cá nhân, không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện; nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow