Vai trò công chứng viên trong cuộc bán đấu giá
Giúp công chứng viên kiểm chứng việc bán đấu giá có đúng với nguyên tắc pháp luật không, đồng thời biết được những sự kiện, tình tiết trong đấu giá có thật hay không có thật.
Trước đây, tại điểm 6.3 khoản 6 Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, quy định rõ: “Đối với Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá là bất động sản, thì Hợp đồng đó phải được cơ quan công chứng nơi có bất động sản chứng nhận. Việc công chứng Hợp đồng được thực hiện như sau: Công chứng viên được mời tham dự cuộc bán đấu giá. Lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ thời điểm giao kết Hợp đồng, địa điểm công chứng, năng lực hành vi dân sự, chữ ký của đấu giá viên và người mua được tài sản bán đấu giá, nội dung thoả thuận của các bên”.
Tại khoản 3 Điều 35 Nghi ̣định 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 có quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định hợp đồng mua bán phải có công chứng hoặc phải được đăng ký, thì hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá phải phù hợp với quy định đó”. Hiện nay, theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng có quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Như vậy, hiện tại chưa có quy định thể hiện rõ nghĩa vụ bắt buộc công chứng viên phải tham dự cuộc đấu giá.
Nhưng việc thực tế thì có hai luồng quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Cho rằng thời điểm tham gia của công chứng viên là từ khi các bên xác lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và đề nghị công chứng viên thực hiện việc công chứng hợp đồng. Còn diễn biến của việc mua bán tài sản thông qua phương thức đấu giá như thế nào thì công chứng viên không có trách nhiệm phải theo dõi, giám sát mà trách nhiệm này thuộc về các tổ chức bán đấu giá tài sản. Công chứng viên chỉ thực hiện công chứng hợp đồng căn cứ biên bản đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người mua được tài sản bán đấu giá lập và các hồ sơ liên quan, không cần thiết phải tham gia cuộc đấu giá.
- Quản điểm thứ hai:
+ Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cũng là hợp đồng mua bán tài sản nhưng loại hợp đồng này được thực hiện theo một trình tự, thủ tục đặc biệt. Đối với loại hợp đồng này thì thỏa thuận về giá mua bán được xác lập ngay tại cuộc đấu giá. Đồng thời việc mua bán này phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Vì vậy, công chứng viên phải tham gia cuộc đấu giá để kiểm chứng việc bán đấu giá đó có đúng với nguyên tắc này hay không. Trên cơ sở đó mới có đủ căn cứ để công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
+ Xét về mặt giá trị văn bản công chứng, căn cứ theo khoản 1, 2, 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.”. Trong trường hợp đấu giá thành, thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá phải có nội dung đầy đủ theo quy định của pháp luật ví dụ như: Thời điểm diễn ra cuộc đấu giá, giá khởi điểm, giá bán tài sản…, nếu theo khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014 những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh. Vì vậy, nếu công chứng viên không tham dự cuộc đấu giá thì không thể biết những sự kiện, tình tiết trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có thật hay không có thật.
+ Nếu công chứng viên không tham dự cuộc đấu giá thì đồng nghĩa với việc không được đòi hỏi hồ sơ đấu giá một cách đầy đủ, chi tiết như tham dự cuộc đấu giá.
Phản ứng của bạn là gì?