Văn bản công chứng có giá trị thi hành và chứng cứ

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh.

13/08/2021 - 10:54 GMT+7
 0  202
Theo dõi DocLuat trên Google News

MỤC LỤC

Theo khoản 2, 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định:

"Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu".

Như vậy, hợp đồng, giao dịch được công chứng có hai giá trị pháp lý là: Giá trị thi hành và Giá trị chứng cứ, cụ thể là:

I - Giá trị thi hành

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 thì:

-  Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan;

- Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Giá trị thi hành ở đây không đơn thuần chỉ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch mà còn có giá trị thi hành đối với các chủ thể liên quan, như cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai... đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sàn hoặc cơ quan tổ chức khác ... Chúng ta cần xác định các bên "liên quan" phải thi hành các hợp đồng, giao dịch được công chứng là ai? Cơ quan nào ngoài các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng?

II - Giá trị chứng cứ

Chứng cứ là vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết một tranh cãi, tranh chấp, bất đồng... khi trong sự việc đó thiếu những căn cứ để xác định quyền, lợi ích hoặc sự kiện pháp lý. Để có thể khẳng định quyền, lợi ích hoặc sự kiện pháp lý đó, thì cần thiết phải có một bằng chứng, chứng minh sự tồn tại của nó, nếu không sẽ bị coi là không có sự tồn tại của quyền, lợi ích hoặc sự kiện pháp lý đó.

Chứng cứ là cái cụ thể (như lời nói hoặc việc làm, vật làm chứng, tài liệu, hình ảnh, nhân chứng...) chỉ rõ điều gì đó có thật (theo Từ điển tiếng Việt)

Trong hoạt động tố tụng, chứng cứ đóng vai trò quyết định trong việc làm sáng tỏ các quan hệ, khúc mắc, nhầm lẫn, tranh chấp cần giải quyết và làm cơ sở để Tòa án phân xử.

Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định:

"Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp".

Lịch sử công chứng là lịch sử phát triển của chứng cứ, chứng cứ viết (văn bản) đã dần thay thế chứng cứ lời nói (miệng).

Chứng cứ được chia thành hai loại: chứng cứ vật chất (văn bản, vật chứng, tài liệu, hình ảnh...) và chứng cứ lời nói (miệng).

Văn bản được chia thành văn bản tưvăn bản công (hay thường gọi là tư chứng thư và công chứng thư).

Văn bản tư (tư chứng thư) là văn bản do một cá nhân tự làm hoặc các cá nhân tự lập với nhau. Văn bản công (công chứng thư) là văn bản được chứng nhận, chứng thực, xác nhận do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có văn bản công chứng.

Văn bản công chứng là văn bản do công chứng viên đang hành nghề tại một tổ chức công chứng chứng nhận. Theo khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014, hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Bởi khi công chứng, người thực hiện công chứng phải tuân theo các quy định của pháp luật về công chứng và các quy định khác có liên quan đồng thời phải khách quan, trung thực, trong trường hợp biết hoặc phải biết việc công chứng hoặc nội dung công chứng là trái pháp luật, đạo đức xã hội thì không được thực hiện công chứng.

Tuy nhiên, văn bản công chứng không có giá trị chứng cứ nếu văn bản đó không hợp pháp, thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc không tuân theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Hay nói cách khác, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ cho đến khi có ý kiến phản bác đưa ra được chứng cứ ngược lại và phải tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

Lưu ý, Như chúng ta đã đề cập ở trên, theo Luật Công chứng hiện hành, văn bản công chứng ngoài hợp đồng, giao dịch còn có bản dịch. Về giá trị của bản dịch, khoản 4 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 chỉ nêu một giá trị, đó là: "Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch".

Như vậy đều là văn bản công chứng nhưng chỉ có "hợp đồng, giao dịch" mới được công nhận có giá trị thi hành và giá trị chứng cứ.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow