Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế chứng thực ở đâu?
Hiện nay pháp luật về chứng thực quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế liên quan đến bất động sản thuộc cơ quan nào?
Mục lục
Một số nơi chỉ chứng thực khi liên quan đến bất động sản có trên địa bàn. Nhưng cũng có nơi chứng thực không phụ thuộc vào nơi có bất động sản dẫn đến mỗi nơi làm mỗi kiểu, gây khó khăn cho người dân.
Khái quát chung về văn bản từ chối nhận di sản
Quy định của pháp luật dân sự nước ta ở tất cả các thời kỳ đều cho phép người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản, nêu sự tự chối quyền hưởng di sản phù hợp quy định pháp luật. Từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự, cụ thể về thời hạn từ chối, hình thức và thủ tục từ chối và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản.
Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”.
Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức có quyền thừa kế di sản của người để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp cá nhân hoặc tổ chức này từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Hình thức của văn bản từ chối nhận di sản
Theo quy định tại khoản 2 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết”.
Như vậy, việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thể hiện dưới dạng văn bản và theo quy định này, văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Một câu hỏi đặt ra là mặc dù không bắt buộc công chứng, chứng thực nhưng giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực so với văn bản có công chứng, chứng thực khác nhau như thế nào về bản chất, pháp luật không có yêu cầu bắt buộc công chứng, chứng thực, văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực pháp lý.
Tuy nhiên, người từ chối nhận di sản hoàn toàn có quyền yêu cầu công chứng loại văn bản này để nhằm đảm bảo chắc chắn giá trị pháp lý cho văn bản. Quyền yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản được quy định tại Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 như sau:
“Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”.
Trên thực tế khi xảy ra tranh chấp nếu tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định với văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực sẽ mất nhiều chi phí, thời gian, công sức, trình tự, thủ tục xác minh, yêu cầu giảm định phức tạp hơn nhiều so với văn bản từ chối nhận di sản có công chứng, chứng thực.
Do đó, khách hàng được khuyến khích nên yêu cầu công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý hiệu lực thi hành của văn bản từ chối nhận di sản trong thực tiễn.
UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực
Theo quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì: UBND cấp xã có quyền và trách nhiệm “Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản”.
Và tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
“Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực".
Thẩm quyền chứng thực văn bản nhận di sản thừa kế, khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
"Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà“.
Như vậy, theo Khoản 5 thì việc chứng thực giao dịch liên quan đến tài sản là động sản thì không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Chứng thực giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất thì thực hiện theo UBND cấp xã nơi có đất.
Vậy thì chứng thực văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản thì UBND cấp xã nơi có tài sản hay bất kỳ UBND cấp xã nào cũng chứng thực được?
Pháp luật quy định chưa rõ
Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này…”. Do đó, người viết văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản chưa được xem là người sử dụng đất nên không thể áp dụng Khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP để buộc người yêu cầu chứng thực văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản phải về nơi có bất động sản để thực hiện chứng thực.
Tuy nhiên, cũng không thể áp dụng Khoản 5 Điều 5 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP để có thể chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản, vì Khoản 5 chỉ quy định chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản mới không phụ thuộc vào nơi cư trú.
Vận dụng Luật Công chứng để thực hiện
Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 thì Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản thực hiện như sau:
Chứng thực văn bản từ chối di sản liên quan đến đất đai
“Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Luật Công chứng quy định cụ thể đối với công chứng giao dịch về từ chối nhận di sản là bất động sản thì được quyền chứng thực không phụ thuộc vào nơi tổ chức hành nghề công chứng đóng trụ sở mà có thể công chứng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản.
Từ quy định của Luật Công chứng UBND cấp xã có thể vận dụng để thực hiện chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản theo hướng không phụ thuộc vào nơi có tài sản vẫn có quyền chứng thực văn bản.
Kiến nghị
Để áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm bổ sung quy định thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là bất động sản theo hướng UBND cấp xã có quyền chứng thực không phụ thuộc vào nơi có bất động sản.
Xem thêm:
- Những lưu ý về từ chối nhận di sản
- Mẫu Văn bản từ chối nhận di sản
- Đã từ chối quyền thừa kế có thể hủy bỏ được không?
Nguyễn Văn Ngọc
Phản ứng của bạn là gì?