Vẫn còn nhiều băn khoăn khi các luật về nhà ở, đất đai có hiệu lực sớm

Lo ngại trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn khi luật nhà ở, đất đai 2024 có hiệu lực sớm có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành.

21/06/2024 - 16:12 GMT+7
 0  216
Theo dõi DocLuat trên Google News
Vẫn còn nhiều băn khoăn khi các luật về nhà ở, đất đai có hiệu lực sớm
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh
  • Nhiều chính sách có thể thực hiện ngay mà không cần hướng dẫn

    Chiều 19-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Các tổ chức tín dụng. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc cho phép các luật này có hiệu lực sớm hơn năm tháng.

    Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết Chính phủ đề xuất cho phép bốn luật nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các điều từ Điều 253 đến Điều 260 của Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

    Cụ thể, tờ trình cho biết trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều phải quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Với các nội dung không phải quy định chi tiết thì thực hiện được ngay mà không cần chờ văn bản hướng dẫn. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất.

    “Việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân” - tờ trình nêu. Tương tự, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có thể thực hiện được ngay mà không cần phải hướng dẫn chi tiết.

    Đối với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, theo tờ trình Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động những vướng mắc có thể phát sinh đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.

    Chính phủ cũng yêu cầu các bộ này có phương án phù hợp thể chế hóa trong luật nhằm không gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý đất đai, nhà ở, thị trường BĐS. Qua đó, bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ liên quan đã được quy định.

    Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật trên, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật sẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1-8.

  • Lo ngại ảnh hưởng chất lượng văn bản hướng dẫn

    Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho hay cơ quan này ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

    Ông Thanh đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi. Trong đó cần xem xét hết sức thận trọng tính cấp bách của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của luật và mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành trong trường hợp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8.

    Theo ông Thanh, hiện nay một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Thậm chí có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.

    Theo cơ quan thẩm tra, đến ngày 18-6, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; bảy văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và bốn văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh BĐS đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan, theo đó có hai nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành.

    Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của bốn luật.

    Hiện nay, văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở. Ngoài ra, có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được.

    “Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn năm tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành” - ông Thanh nói.

    Việc này, theo Ủy ban Kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương. Cơ quan này lo ngại trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành các luật. Nhất là Luật Đất đai do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương.

    Từ phân tích trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương… Đồng thời, dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.

  • Cần cẩn trọng tính toán

    Đồng tình cao với báo cáo của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ bổ sung bốn nội dung trong hồ sơ dự án luật. Cụ thể gồm: Tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật; phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài; tổng hợp ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các luật khi có hiệu lực sớm.

    “Đến nay, tôi tra hết tài liệu mới có tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Trung ương còn những nội dung thuộc thẩm quyền địa phương thì chưa có” - ông Nam nói.

    Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, Luật Đất đai có 16 văn bản quy định, trong đó có chín nghị định, một quyết định của Thủ tướng và sáu thông tư. Theo ông Nam, đến giờ mới ban hành được một nghị định. Còn lại 15 văn bản khác, quan trọng hơn, thực tiễn hơn, sâu sắc hơn, cần hơn thì đến nay chưa có. Tương tự, bảy văn bản quy định chi tiết đối với Luật Nhà ở, bốn văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa có.

    Liên quan đến các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, ông Nam cho rằng Chính phủ báo cáo trên diễn đàn QH là địa phương đang triển khai nhưng địa phương chưa có căn cứ để thực hiện. “Nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ, ngành chưa có nên địa phương không biết thế nào mà triển khai. Không biết các địa phương khác thế nào còn Phú Thọ đã thấy triển khai gì đâu” - ông Nam nói. Theo đại biểu Nam, dù Chính phủ rất cương quyết nhưng cá nhân ông vẫn rất băn khoăn.

    Ông Nam trích dẫn lại kiến nghị của Ủy ban Kinh tế về việc Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước QH và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật.

    Ông cho rằng trước dân không thể nói là Chính phủ chịu trách nhiệm. “Nếu thấy không đủ điều kiện, chúng ta chưa thông qua chứ không thể hay dở đổ cho Chính phủ được. Đây là quyết định của đại biểu QH” - ông Nam nói và đề nghị phải thận trọng tính toán.

    Cần nghiên cứu kỹ, sâu hơn

    Việc thực thi nghị quyết của QH có thể nhanh được nhưng với luật, đặc biệt là Luật Đất đai thì có tác động rất lớn. Việc thi hành luật phụ thuộc việc xây dựng các nghị định, thông tư, đặc biệt là ở các địa phương.

    Tôi vừa là trưởng đoàn, bí thư Tỉnh ủy, vừa là chủ tịch HĐND của một địa phương nhưng chưa thấy mặt ngang mũi dọc một văn bản hướng dẫn nào của Trung ương. Các đồng chí báo cáo các địa phương đang triển khai, vậy triển khai trên cơ sở gì?

    Nếu bây giờ quyết các luật này có hiệu lực sớm từ ngày 1-8, tức là chỉ còn một tháng nữa tính từ lúc kỳ họp này kết thúc. Luật Tổ chức tín dụng thì đơn giản hơn nhưng ba luật liên quan đến BĐS lại là một vấn đề. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ, sâu, tránh tình trạng như đường cao tốc hai làn xe, khi xử lý điều chỉnh lại chỉ có làm thêm hai làn xe nữa mới giải quyết được.

    Đại biểu QH BÙI MINH CHÂU

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow