Trách nhiệm của công chứng viên từ ngày 11/3/2025
Trách nhiệm của công chứng viên quy định tại Quyết định 148/QĐ-HĐCCVTQ của Hội đồng công chứng viên toàn quốc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Quy định tại Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm Quyết định 148/QĐ-HĐCCVTQ hướng dẫn chi tiết các nhiệm vụ của công chứng viên. Cụ thể:
(1) Tận tâm với công việc
Công chứng viên phải tận tâm với công việc và phát huy năng lực nghề nghiệp, sử dụng kiến thức chuyên môn để bảo đảm tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng một cách nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
(2) Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng
Công chứng viên cần sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng theo chế độ làm việc của Tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm ngày, giờ làm việc quy định. Công chứng viên phải luôn đảm bảo sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu trong phạm vi nhiệm vụ của mình.
(3) Giải thích quyền lợi và nghĩa vụ của các bên
Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích rõ ràng cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ, và hậu quả pháp lý phát sinh từ hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng.
Họ cần giải đáp các thắc mắc của người yêu cầu công chứng để đảm bảo hợp đồng, giao dịch diễn ra đúng ý chí của các bên, đồng thời đảm bảo các bên hiểu rõ về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng.
(4) Cung cấp thông tin về nghĩa vụ và trách nhiệm
Công chứng viên còn có trách nhiệm cung cấp thông tin về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công chứng viên trong hành nghề công chứng khi có yêu cầu từ người yêu cầu công chứng. Điều này giúp tạo ra sự minh bạch và đảm bảo cho các bên tham gia giao dịch nắm rõ quy trình công chứng.
(5) Trách nhiệm bảo mật thông ti của công chứng viên
Công chứng viên có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng và tất cả thông tin liên quan đến nội dung công chứng trong suốt quá trình hành nghề, kể cả khi không còn là công chứng viên. Trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng hoặc có quy định của pháp luật khác.
Công chứng viên phải đảm bảo rằng hồ sơ công chứng được bảo quản cẩn thận trong suốt quá trình giải quyết yêu cầu công chứng và bàn giao đầy đủ hồ sơ công chứng để lưu trữ theo quy định của pháp luật.
(6) Trách nhiệm của công chứng viên đối với nhân viên
Công chứng viên cũng có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng không được tiết lộ bất kỳ bí mật thông tin nào về việc công chứng mà họ biết, theo nội quy, quy chế của tổ chức hành nghề công chứng và quy định của pháp luật.
Đồng thời, công chứng viên cần giải thích rõ trách nhiệm pháp lý của nhân viên nếu có hành vi tiết lộ thông tin trái phép.
Bên cạnh đó, Điều 7 Quy tắc đạo đức cũng quy định rằng công chứng viên không được phân biệt đối xử giữa những người yêu cầu công chứng. Việc phân biệt không được phép đối với các yếu tố như giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính hoặc tuổi tác.
Công chứng viên phải bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng khi họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Phản ứng của bạn là gì?






