Công văn Hiệp hội công chứng viên Việt Nam về định danh, xác thực điện tử
Hiệp hội công chứng viên Việt Nam về thực hiện luật căn cước năm 2023 và định danh, xác thực điện tử theo nghị định 69/2024/NĐ-CP.
Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam xin trân trọng kính chào quý cơ quan. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam và Hội Công chứng viên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên.
Từ khi có quy định của Nhà nước về Công chứng, công chứng viên dựa vào hình ảnh, đặc điểm nhận dạng và nhất là vân tay in trên giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, căn cước công dân không gắn chip và có gắn chip) để xác định người yêu cầu công chứng đúng là người có quyền và nghĩa vụ ký kết hợp đồng, giao dịch. Hiện nay, theo quy định của Luật Căn cước số 13/2023/L-CTN ngày 05/12/2023 (gọi tắt Luật Căn cước 2023), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 thì thông tin được in trên thẻ căn cước không còn dấu vân tay, mà những thông tin này “... được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân...” (Khoản 2, Điều 18 Luật Căn cước 2023).
Thực hiện quy định trên, các Công chứng viên đã rất lúng túng trong việc nhận diện xác định chủ thể tham gia giao dịch (vì dấu hiệu nhận dạng, dấu vân tay của trỏ phải, trỏ trái không còn trên thẻ căn cước) nên rất khó để xác định được đúng người tham gia giao dịch, dễ tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo.
Khắc phục tình trạng trên, Khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước 2023 đã quy định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử, thẻ căn cước bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an”. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 quy định về định danh và xác thực điện tử (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) trong đó tại Khoản 2 Điều 19 quy định “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công được yêu cầu xác thực điện tử thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành có chứa thông tin cần xác thực điện tử".
Căn cứ các quy định trên, và căn cứ quy định tại “Điều 3. Chức năng xã hội của công chứng viên” của Luật Công chứng năm 2014 đã có xác định: “Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” thì các Tổ chức hành nghề công chứng được Luật, Nghị định xác định là tổ chức cung cấp dịch vụ công được xác thực điện tử thông qua kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Hiện nay, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chuẩn bị xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung, nỗ lực để đạt điều kiện quy định tại Điều 18 của Nghị định 69/2024/NĐ-CP với mong muốn được kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Quý cơ quan quản lý; nhằm thực hiện nhiệm vụ của ngành trong sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.
Vì vậy, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, bằng công văn này xin kính đề nghị quý cơ quan:
Một là, về căn cơ và lâu dài: Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tích cực xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung để đủ điều kiện được kết nối chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm giúp công chứng viên muốn xác thực người tham gia giao dịch phải kết nối thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử do Bộ Công an cấp phép hoạt động (quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 69/2024/NĐ-CP). Khi sử dụng dịch vụ của Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử thì công chứng “thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về giá” theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 69/2024/NĐ-CP.
Căn cứ Mục 30 Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 quy định “Sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân (không bao gồm các dịch vụ được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí)” thẩm quyền, hình thức định giá sẽ do “Bộ, ngành được giao quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quyết định giá cụ thể, giá tối đa, khung giá (tùy dịch vụ)”. Như vậy, Bộ Công an là cơ quan có thẩm quyền quy định giá dịch vụ mà tổ chức, cá nhân (trong đó có công chứng) phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử.
Vì vậy, để giúp công chứng viên xác thực người tham gia hợp đồng, giao dịch, đề nghị Quý cơ quan sớm cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và quy định bảng giá sử dụng dịch vụ này.
Hai là, trước mắt: trong khi chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị hoàn thiện các cơ sở, điều kiện cần thiết thì công chứng hàng ngày, hàng giờ vẫn phải thực hiện chức năng công chứng các giao dịch và bảo đảm chức năng xã hội của nghề công chứng (đã được quy định tại Điều 3 Luật Công chứng năm 2014) nên kính đề nghị cho các Tổ chức hành nghề công chứng kết nối, chia sẻ trực tiếp (theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Điểm a Khoản 3 Điều 16 Luật Căn cước 2023) hoặc kết nối, chia sẻ gián tiếp (qua cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Tư pháp) các thông tin đã được mã hóa trong cơ sở dữ liệu về các trường sinh trắc học mà không liên quan ảnh hưởng đến vấn đề an ninh như: Nhận diện khuôn mặt, vân tay, sau này là móng mắt để phục vụ cho việc xác định chủ thể khi tham gia giao dịch công chứng và nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch.
(Theo Công văn số 416/CV-HHCCVVN ngày 18/7/2024)
Các tập tin đính kèm
Phản ứng của bạn là gì?