Định danh và xác thực điện tử liên quan đến công chứng
Thẻ căn cước được cấp theo Luật căn cước 2023, trong đó phần xem được bằng mắt thường không có thông tin vân tay, dấu hiệu nhân dạng.
Hiện nay đã có Thẻ căn cước được cấp theo Luật căn cước 2023, trong đó phần xem được bằng mắt thường không có thông tin vân tay, dấu hiệu nhân dạng. Việc này gây lúng túng và lo lắng cho công chúng viên, sợ rằng không xác định được đúng người tham gia giao dịch, dễ tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo.
Căn cứ Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, Hội công chứng thành phố Hồ Chí Minh xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất: Điều 19 khoản 2 Nghị định quy định “tổ chức cung cấp dịch vụ công được yêu cầu xác thực điện tử thông qua kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử...”. Công chứng viên được nhà nước giao “cung cấp dịch vụ công”, do đó thuộc loại tổ chức được xác thực điện tử thông qua kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tuy nhiên, điều 18 Nghị định quy định điều kiện, trình tự kết nối, chia sẻ thông tin như sau:
1) Cơ quan, tổ chức có hệ thống thông tin do mình quản lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu an toàn hệ thống thông tin tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn hệ thống thông tin;
2) Thống nhất bằng văn bản giữa cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục cảnh sát hành chính về quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an) và cơ quan, tổ chức chủ quản dữ liệu, hệ thống thông tin về phạm vi, mục đích kết nối, chia sẻ;
3) Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục cảnh sát hành chính về quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an) thẩm định, kiểm tra thực tế cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức đề nghị kết nối; nếu đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cho phép kết nối.
Căn cứ quy định nêu trên thì yêu cầu kết nối dữ liệu của công chứng để trực tiếp xác thực người tham gia giao dịch khó thực hiện được trong ngắn hạn.
Thứ hai: Khoản 4, Điều 18 cũng quy định các tổ chức khác có thể kết nối thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử (do Bộ Công an cấp phép). Như vậy, trước mắt công chứng chỉ có thể xác thực khách hàng của mình thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Để thực hiện được, chúng ta phải chờ Bộ Công an cấp phép cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, lúc đó mới biết cần liên hệ với tổ chức nào.
Trong khi chờ đợi chính thức có tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, công chứng viên căn cứ vào các giấy tờ tùy thân còn hiệu lực để công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn đảm bảo được tính xác thực. Trường hợp khách hàng xuất trình Thẻ căn cước cấp theo Luật căn cước 2023 thì công chứng viên có thể yêu cầu họ xuất trình các giấy tờ tùy thân đã được cấp có vân tay để đối chiếu, tham khảo.
Thứ ba: Điều 27, khoản 2 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định tổ chức khai thác dịch vụ định danh và xác thực điện tử “thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về giá”. Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật Giá 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tại Mục 30 quy định: sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do Bộ, Ngành quản lý thì do Bộ, Ngành quyết định giá. Như vậy, Bộ Công an sẽ quy định giá dịch vụ mà công chứng phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử..
(Theo Công văn số 54/HCCV ngày 17/7/2024 của Hội công chứng viên Tp.HCM )
Phản ứng của bạn là gì?