Hiểu như thế nào về tính xác thực, tính hợp pháp?
Công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội.
- Tính xác thực: được hiểu là việc xác thực chính xác về thời gian, địa điểm diễn ra việc giao kết hợp đồng, giao dịch; xác định đúng người yêu cầu công chứng (trên cơ sở giấy tờ tùy thân, giấy tờ, tài liệu về tình trạng hôn nhân, giấy tờ được ủy quyền,… mà người yêu cầu công chứng cung cấp) cũng như năng lực hành vi của người yêu cầu công chứng tại thời điểm công chứng; xác định đúng đối tượng của hợp đồng, giao dịch (trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu về tài sản, về công việc phải làm,… mà người yêu cầu công chứng cung cấp); xác định đúng nội dung các điều khoản của hợp đồng, giao dịch (trên cơ sở ghi nhận chính xác ý chí chủ quan của các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch); tính chính xác của giấy tờ văn bản được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (bản dịch).
- Tính hợp pháp: được hiểu là việc lập và giao kết hợp đồng, giao dịch phải tuân thủ đúng thủ tục mà pháp luật quy định, đồng thời nội dung các điều khoản, thỏa thuận (ý chí của các bên) trong hợp đồng giao dịch không được trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội. Có nghĩa là, chỉ các hợp đồng giao dịch hợp pháp mới được công chứng viên xác nhận, những hợp đồng giao dịch bất hợp pháp sẽ bị từ chối công chứng. Điều này cũng tương tự đối với việc công chứng các bản dịch. Chính đặc điểm này của công chứng làm cho hoạt động công chứng có chức năng đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa các tranh chấp xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân tổ chức có liên quan đến hợp đồng giao dịch.
Phản ứng của bạn là gì?