Đối tượng của hợp đồng ủy quyền là gì?
Đối tượng của hợp đồng ủy quyền chỉ đơn thuần là công việc phải thực hiện mà không phải là bản thân tài sản hay “quyền” của chủ thể (nếu có).
Ủy quyền là việc một người giao cho người khác nhân danh mình để thực hiện công việc, thực hiện một hay một số quyền năng nào đó (và thậm chí cả đối với nghĩa vụ).
- Đối tượng của hợp đồng ủy quyền chỉ đơn thuần là công việc phải thực hiện mà không phải là bản thân tài sản hay “quyền” của chủ thể (nếu có). Có thể, công việc được ủy quyền có thể liên quan đến một tài sản hay một “quyền” nào đó, như ủy quyền với nội dung người được ủy quyền quản lý, chuyển nhượng nhà đất. Tuy nhiên, tài sản này lại không phải là đối tượng của hợp đồng ủy quyền. Ví dụ như: trong quan hệ ủy quyền bán nhà, việc mà các bên trực tiếp nhắm vào khi xác lập ủy quyền chính là những hành vi, công việc cụ thể để sau này, bên được ủy quyền sẽ tiến tới việc chuyển quyền sở hữu nhà, mà không phải chính bản thân việc chuyển quyền sở hữu nhà (khi ủy quyền được xác lập, nhà vẫn chưa được bán và vẫn thuộc sở hữu của bên ủy quyền).
Do vậy, giao dịch về ủy quyền không bị ràng buộc bởi quy định về địa hạt khi thực hiện công chứng. Theo Điều 42 Luật Công chứng 2014: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”. Nói cách khác, công chứng viên không được từ chối công chứng nếu quan hệ ủy quyền có liên quan đến tài sản là bất động sản không nằm trên địa bàn tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.
- Với tư cách là đối tượng của ủy quyền, một khi “công việc” không tồn tại hay không còn tồn tại thì việc ủy quyền không được xác lập hay sẽ bị chấm dứt. Chính vì vậy, công chứng viên cần lưu ý việc người ủy quyền chỉ có thể ủy quyền nếu họ là người có quyền thực hiện các công việc, hành vi đó và trách nhiệm của họ là phải chứng minh được việc mình hoàn toàn có quyền thực hiện các công việc này. Việc chứng minh thường được thực hiện thông qua các giấy tờ, tài liệu ghi nhận về quyền của chủ thể hay có thể là giấy tờ có liên quan đến tư cách chủ thể.
Ví dụ như: để ủy quyền việc bán nhà, người ủy quyền chứng minh quyền bán nhà thông qua tư cách chủ sở hữu của mình đối với căn nhà, bằng các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp hoặc chứng minh mình là người có quyền bán nhà theo quy định pháp luật (như trường hợp ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm).
Hay như ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án, việc chứng minh “quyền” có thể được thực hiện trực tiếp thông qua giấy triệu tập, giấy mời tham gia tố tụng của Tòa án hoặc gián tiếp thông qua giấy tờ khác như: thông báo thụ lý vụ án, biên nhận đã nộp tiền tạm ứng án phí… Trong những tình huống như vậy, nội dung ủy quyền cần truyền tải một cách chính xác căn cứ xác định tư cách chủ thể cùng với khả năng quyền tương ứng với giấy tờ, chứng minh để đảm bảo tính chặt chẽ, tính căn cứ cũng như phạm vi nội dung ủy quyền.
Bên cạnh đó, trong cùng một quan hệ pháp luật, các chủ thể khác nhau sẽ có các quyền khác nhau để ủy quyền cho người khác. Ví dụ như: trong cùng một công việc mua bán nhà, "quyền" bên bán và bên mua là khác nhau và các "quyền" này đều có thể ủy quyền cho người khác thực hiện. Tuy nhiên, cách chứng minh quyền này của các bên sẽ khác nhau.
Trong trường hợp mà họ không có, không có các quyền đó, hoặc các quyền đó bị hạn chế vì một lý do nào đó như: có bản án, quyết định hành chính hoặc thông qua những thỏa thuận đối với chủ thể khác qua các giao dịch dân sự, thì họ sẽ không thể ủy quyền những công việc đó cho người khác để thực hiện được. Ngay cả khi ủy quyền đã được xác lập, nhưng nếu người ủy quyền bị mất tích, bị chết, bị hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự thì đối tượng ủy quyền đã được giao không còn, chính vì vậy mà pháp luật quy định ủy quyền phải bị chấm dứt. Do đó, công chứng viên cần lưu ý đặc điểm này để kiểm tra, xác định và ghi nhận cụ thể, chính xác về đối tượng của ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền, về khả năng tồn tại của công việc ủy quyền trong suốt thời hạn ủy quyền.
- Không phải trong bất kỳ trường hợp nào, công việc hoặc “quyền” có được hợp pháp đều có thể giao lại cho người khác thông qua ủy quyền.
Về nguyên tắc, công việc hoặc “quyền” được giao trong hợp đồng ủy quyền phải bảo đảm khi được thực hiện bởi bên được ủy quyền sẽ vì lợi ích của bên ủy quyền. Do đó, có những công việc do thuộc tính tự nhiên của nó mà nếu người được ủy quyền thực hiện sẽ không thể đáp ứng nguyên tắc vì lợi ích của bên ủy quyền. Ví dụ như: không thể ủy quyền cho người khác uống nước thay mình để hết khát.
Bên cạnh đó, công việc hoặc “quyền” cũng chỉ được ủy quyền cho người khác khi pháp luật không cấm, không hạn chế việc ủy quyền đó. Hiện nay, trong một số lĩnh vực nhất định, pháp luật có hạn chế việc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền chủ thể. Do đó, công chứng viên cần phải thường xuyên cập nhật các trường hợp này để bảo đảm tính hợp pháp cho hợp đồng ủy quyền mà mình chứng nhận. Thông thường, những quyền, công việc gắn liền với quan hệ nhân thân không được chuyển giao, ủy quyền cho người khác. Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền nhân thân quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Đơn cử như trường hợp sau:
+ Theo khoản 2 Điều 6 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc ủy quyền”.
+ Theo khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định: “Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc”.
- Lưu ý, Luật Nhà ở 2014 khi quy định các hình thức giao dịch về nhà ở chỉ đề cập đến hình thức “ủy quyền quản lý nhà ở” tại Điều 117 không đồng nghĩa với việc không được phép việc ủy quyền đối với thực hiện các công việc khác như: ủy quyền mua bán nhà ở, ủy quyền cho thuê nhà ở, ủy quyền thế chấp nhà ở…
Phản ứng của bạn là gì?